Home Tin tức Đời Sống – Tổng Hợp Người Thanh – Nghệ nói về chuyện đồng hương bị ‘tẩy chay’

Người Thanh – Nghệ nói về chuyện đồng hương bị ‘tẩy chay’

Chỉ sau một ngày đăng tải, bài viết Lao động Thanh Hóa, Nghệ An bị ngầm tẩy chay của Đất Việt đã nhận được nhiều phản hồi từ các bạn đọc, cũng như được đăng tải lại trên nhiều diễn đàn.

Qua đó, các thành viên cộng đồng mạng đã bày tỏ nhiều ý kiến trái ngược nhau. Trong số đó có nhiều ý kiến từ chính những người nhận mình là dân Thanh Hóa hoặc Nghệ An, Hà Tĩnh.

Độc giả Lê Văn Hùng bình luận: “Thật buồn cho người lao động quê mình, về quê thì công nhân không tìm được việc làm, sinh viên ra trường muốn có việc thì phải chạy tốn kém hàng chục triệu đồng. Đi xa lại bị đối xử tệ quá”.

 Trên mạng xã hội Facebook, thành viên nick Shika Shahotoshi bày tỏ sự bức xúc: “Dân Thanh Hóa đây. Có cái hộ khẩu Thanh Hóa, thế là từ nay đi đâu cũng bị người ta ghét à? Vơ đũa cả nắm, đâu cũng có người tốt kẻ xấu thôi!”.

Là người Thọ Xuân, Thanh Hóa, thành viên nick theone.it của diễn đàn lichsuvn.info cho rằng: “3 tỉnh Thanh Hoa, Nghệ An, Hà Tình  này phải chiếm tới 20% công nhân ở miền Nam, không có họ lấy ai ra mà làm? Chính vì quá đông nên xác xuất những người ‘cá biệt’ là khá cao, cùng với 3 tỉnh này mang đậm bản sắc địa phương nên họ liên kết với nhau mật thiết hơn các tỉnh khác. Nói đi cũng phải nói lại đời sống của người lao động là quá khó khăn, lại không được hộ trợ nhiều từ nhà nước, chính quyền địa phương, công ty nên phát sinh các tệ nạn là điều đương nhiên”.

Có thành viên còn lý giải những thiệt thòi về điều kiện tự nhiên đã khiến người dân một số tỉnh miền Trung có cá tính riêng, dễ dẫn đến va chạm khi sinh sống ở vùng miền khác.

“Ở vùng Nghệ Tĩnh khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, sinh sống rất khó khăn. Chính điều này đã tạo nên sự đoàn kết đặc biệt giữa con người với con người để cùng khắc phục nghịch cảnh, cũng như hình thành tính cách phóng khoáng, ngang tàng, sẵn sàng đối chọi với các thách thức. Những yếu tố đó đã khiến Nghệ Tĩnh trở thành một mảnh đất cách mạng nổi tiếng, là nơi sản sinh ra nhiều vĩ nhân trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Tuy vậy, tính cách bộc trực cũng khiến người dân dễ nổi nóng, bạo lực trong việc giải quyết mâu thuẫn…”, thành viên Hoàng Minh, một người có quê Nghệ An bày tỏ trên Facebook.

 

Trên diễn đàn Linkhay, thành viên nick Buon_cuoi_that giãi bày: “Nói sơ qua về mình, mình dân gốc Hà Tĩnh, bố mẹ sinh mình ra ở Vinh. Nghệ An và Hà Tĩnh mỗi nơi mình sống một ít thời gian, nhưng chia lại thì không bẳng thời gian mình sống ở Hà Nội… Hồi bé, không phải chưa bao giờ mình nghe người lớn nói rằng ‘dân vùng A thế này, vùng B thế kia, có nơi còn đặt cả ca dao, hò, vè để bỉ….

Lớn lên một tí, đi học ĐH, cũng ngồi lúc chén rượu, chén chè…. vẫn thấy có hiện tượng quê tao, quê mày… Nhưng theo thời gian, với ai thì không biết riêng với mình, mình cực ghét chuyện mang quê hương bản quán ra để bỉ… Sinh ra trên đời không ai chọn được cha mẹ, chẳng ai lựa được quê hương… Thường người ta đi đâu xa đều xem quê hương là điều thiêng liêng, giống như việc dân đạo Hồi xem kinh Koran là trái tim mình vậy. Hay gì việc lấy quê hương bản quán của người khác ra để điều tiếng, chỉ trỏ… bản chất con người là cá thể không thể lấy quần thẻ để phán xét một cá thể riêng biệt được…”.

Tuy vậy, cũng có không ít thành viên thừa nhận những hiện tượng tiêu cực của người dân ở quê mình là một thực tế cần phải nhìn nhận nghiêm túc.

Thành viên Football_Man, diễn đàn Vozforums, nhận xét: “Mình quê gốc Nghệ An đây. Mấy thằng cháu ở quê vào đây toàn trẻ trâu hung hăng, 10 thằng cũng đến 9 ông như thế, làm gì chứ đánh nhau là máu lắm. Mấy bác xem V-League thấy cổ động viên SLNA như thế nào thì dân Nghệ An mình thế đấy”.

Đến từ Thanh Hóa, thành viên nick vanthanh0312 cũng bày tỏ sự ngán ngấm về giới trẻ quê mình: “Nói thật là em Thanh Hóa, nhưng mà giờ nhìn một số thằng choai choai cùng quê mà chán. Đầu tóc thì mới như trên rừng xuống, mở mồm ra là hăm dọa, cứ đợi ai gây sự là nhảy vào hội đồng, rất có tinh thần bầy đàn”.

Cho rằng cần phải nhìn thẳng vào sự thật để sửa đổi, thành viên nick trangpapi (Linkhay.com) bình luận: “Em cũng là người Hà Tĩnh nhưng em thấy bài báo nói đúng đấy chứ. Không hiểu sao em cứ có cảm giác mấy cậu thanh niên phụ hồ, hoặc làm những việc linh tinh (nói chung là không có trình độ) ở quê mình rất trẻ trâu, toàn học đòi với ta đây. Mấy bác lớn tuổi cũng thế, suốt ngày rượu chè rồi lôi kéo nhau làm bậy. Thật sự em không ưa nổi mấy thói đấy của một số phần tử dân mình. Nói thế này không phải em không yêu quê hương, không biết bảo vệ quê hương chứ ý kiến của em là: người ta đã chỉ ra cái sai cho mình thì mình nên sửa, không nên quá bảo thủ (cái này cũng là một tính xấu của một số người dân mình). Theo quan điểm của em thì nhà báo không cố tình bỉ quê mình mà họ chỉ nêu lên khuyết điểm để những người kia thấy sai mà sửa thôi, đấy là ý tốt”.

(Theo DVO)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*